Mùng 8 tháng Giêng, Tết đã hết được mấy ngày nhưng nhiều tủ lạnh vẫn còn đầy chặt. Nhiều bà nội trợ than thở: “Không dám mở tủ lạnh ra nhìn vì… quá ngán”.
Nổi khổ mang tên tủ lạnh
Mùng 8 tháng Giêng, chiếc tủ lạnh hiệu Samsung dung tích lên tới 302 lít của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (Trung Hòa- Nhân Chính, Hà Nội) vẫn đầy nặc lè. Trên ngăn đá có 3 con gà, một con ba ba (loại 1,2kg), 2 chiếc bánh chưng, 2 vỉ chả cá thu, một ít mực tươi, 2 gói xúc xích Đức Việt và vài thực phẩm lặt vặt.
Bên dưới ngăn mát thì vô thiên lủng là thức ăn sống, chín, bao gồm 2 cây giò đang ăn dở mà chị đã rất cẩn thận bọc màng phủ và bỏ hết lá gói, thịt nguội, thịt sấy, trứng, bánh chưng ăn dở, canh khoai tây nấu móng giò, các loại rau, củ “của nhà trồng được”, hoa quả. Ngoài ra còn 4 đĩa thức ăn đã xào nấu rồi để nguyên. Chị Hoa chưa nỡ đổ đi, với hi vọng gọi mấy đứa cháu tới xào nấu lại để ăn cho “đỡ phí”.
Những tủ lạnh gia đình tới mùng 8 Tết vẫn còn đầy chặt thức ăn. Ảnh minh họa
Phân trần về lượng thức ăn rất lớn này, chị Hoa cho biết quê chồng chị ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Thông thường năm nào chị cũng về quê chồng từ chiều 30 Tết tới mùng 3 hoặc mùng 4 thì quay trở lại Hà Nội. Trước khi về, chị trữ sẵn 1 ít đồ nguội để khi trở lại có thể làm đồ cúng luôn.
Thế nhưng, năm nào trở lại Hà Nội, hành lý nhà chị cũng lỉnh kỉnh quà biếu. “Được biếu nhiều nhất là gà, năm nào cũng 3-4 con, bánh chưng, giò me (bê), hải sản và nhất là rau. Ai cũng bảo Hà Nội làm gì có rau sạch, mang đi mà ăn. Tiện xe nên bê đi tất… Toàn anh em, cô dì cho, không nhận không được”- chị nói.
Tuy nhiên, từ hôm ra Hà Nội tới nay, gia đình chị cũng đi chúc tụng, đi chơi nên cũng không mấy khi ăn cơm nhà. Chị Hoa cho biết: “Hôm qua tôi chuẩn bị 3 mâm đãi bạn chồng, lượng thực phẩm cũng chỉ vơi đi 1/3. Kiểu này chắc phải ăn tới rằm tháng Giêng mới hết, chỉ lo để nhiều đồ trong tủ lạnh quá, đồ dễ ôi thiu”. Bản thân chị thì “giờ tôi không dám mở tủ lạnh vì nhìn là ngán, trẻ con cũng không thích ăn đồ xào đi rán lại”- chị than thở.
Kể chuyện của chị Hoa mới biết đó cũng là nỗi lòng của nhiều chị em. Nguyễn Hải My, nhân viên một công ty thương mại ở Cầu Giấy (Hà Nội), quê ở Khoái Châu (Hưng Yên) cũng còn nguyên một tủ lạnh đồ Tết, trong đó nhiều nhất là gà, giò và rau. Mùng 7 khai xuân, My liên tục mời chị em tới nhà ăn Tết, cũng là “ăn bớt đồ ông bà cho đi, nhiều quá, không biết bao giờ em mới ăn hết”- My nói. Tuy nhiên, lời mời này cũng không… đắt khách.
Gia đình chị Đào Ngọc Minh (Ba Đình, Hà Nội) thì đang tìm cách … cho bớt giò, bánh chưng. Chị nói: “trước Tết tôi được mấy chú em biếu 2kg giò ngựa. Quà quý nên cũng để dành ăn dần. Biết là thực phẩm để ngăn mát cũng dễ hỏng nên tôi phải chia nhỏ, cất hẳn lên ngăn đá, những thứ không ăn là không đụng đến. Nhưng tới giờ thì tải không nổi nữa, phải cho bớt không bỏ uổng lắm”.
Trong tủ lạnh của gia đình chị còn 3 cái bánh chưng đang mốc lá: “Tôi nói với chồng là bỏ đi, nhưng anh ấy bảo thời xưa bánh mốc còn cạo đi ăn được, giờ bảo quản tốt hơn, bỏ đi phí quá. Của ngọc thực…Nhưng nói thật là tôi ngán bánh chưng quá rồi. Mở tủ lạnh ra nhìn là ngao ngán”.
Chị Minh cho biết thêm, chị em trong văn phòng của chị đều hạn chế ăn tinh bột: “Nhưng cứ đến tết là phần lớn tăng cân vì cứ phải cố ăn hết đồ ăn đã chuẩn bị. Nhiều khi đồ ôi cũng tiếc”.
Những ẩn họa...
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc trữ thực phẩm, trong đó có lẫn lộn thực phẩm chớm ôi, thiu trong tủ lạnh gây ra nhiều ẩn họa. Đặc biệt, ngày tết có nhiều loại thực phẩm gói lá, bên trong thực phẩm chưa thiu nhưng bên ngoài đã có nhiều nấm mốc…
Bác sĩ Vũ Hướng Văn (tư vấn tại trang web Ykhoa.net) cho biết, các loại thực phẩm, đặc biệt là bánh, giò chả, thịt cá bị mốc, sẽ sản sinh ra rất nhiều vi khuẩn và độc tố aflatoxin.
Aflatoxin là một mycotoxin được tiết ra từ nấm aspergillus và A.parasiyicus. Các chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại thực phẩm trong các điều kiện thuận lợi nóng và ẩm, nhất là điều kiện thời tiết ở Việt Nam. Nhiễm độc aflatoxin là nguy cơ chính gây ung thư gan.Những chất độc này một khi bị hấp thụ vào cơ thể, nhẹ sẽ dẫn tới một loạt các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, hoa mắt, khó chịu, viêm ruột, mất thính lực và toàn thân mất hết sức lực, nặng sẽ dẫn tới ung thư, dị tật thai nhi và lão hóa da.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng ghi nhận chủng nấm Aspergillus flavus gây mốc ở lạc, chủng nấm mốc Penicillium gây mốc ở gạo, cơm. Các chủng nấm này đều có nguy cơ gây bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn (Khoa Hóa, Đại học Tổng hợp Hà Nội) cho biết, các chủng nấm và độc tố này vẫn phát triển trong nhiệt độ bảo quản từ 5-10oC như ở tủ lạnh. Đặc biệt, với các thực phẩm như giò, chả, các bà nội trợ thường bỏ ra để thái rồi cất lại: “Khi tiếp xúc với dao, thớt, thực phẩm đã có thể bị nhiễm khuẩn. Cất lại tủ lạnh, các vi khuẩn, nấm mốc vẫn phát triển và nhiễm chéo sang các thực phẩm đang bảo quản khác”- Tiến sĩ Sơn cảnh báo.
Nhiều chuyên gia y sinh cho rằng tâm lý và thói quen trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh ngày Tết cần phải được điều chỉnh lại để đảm bảo thức ăn tươi, hạn chế nấm mốc. Trong điều kiện gia đình, khi sử dụng lương thực, thực phẩm cần kiểm tra kỹ, nếu nghi ngờ mốc, chớm mốc đều phải kiên quyết hủy bỏ, không được tiếc rẻ và để dùng. Tuy nhiên, với lượng thực phẩm quá nhiều trong và sau Tết, nếu không dùng thì chỉ có cách… vứt ra thùng rác. Và cái vòng lãng phí cứ thế luẩn quẩn…
Linh Chi (theo Dân Việt)
Chủ liên quan
Bình luậnViết cảm nhận