Vụ Cát Tường: Không thể dùng "tia đất" để tìm xác

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013
Sau nhiều ngày tìm kiếm xác chị Huyền bằng phương pháp mới, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được xác của nạn nhân. Theo TS Nguyễn Văn Khải, việc dựa vào "tia đất" để tìm xác là không có căn cứ.
"Tia đất - tia từ" chưa được khoa học công nhận
Theo TS Nguyễn Văn Khải, trong các sách giáo khoa từ trung học cơ sở cho tới cao đẳng, đại học của Việt Nam và trên thế giới chưa có lần nào nói đến "tia đất" là cái gì. "Mà đã không có tia từ - tia đất thì không thể dùng cái này để tìm xác chị Huyền được" - TS Khải khẳng định.
"Tia đất" chỉ được nói đến nhiều ở Việt Nam do một số nhà khoa học tự "tưởng tượng" ra mà không biết bản chất loại tia đó là cái gì. Chính vì thế, cái máy mà các nhà khoa học đó dùng để đo "tia đất" cũng chỉ là "máy tưởng tượng" mà không biết bản chất của nó là cái gì.
Ngoài ra, ông Khải còn đặt ra câu hỏi nghi ngờ: Trong lịch sử ngành Vật lý những nhà khoa học sau khi khám phá ra các tia mới tồn tại trong trái đất như Gamma, Rơnghen,... đều được nhận giải Nobel danh giá. Vậy nhóm nhà khoa học đó khám phá ra loại "tia từ - tia đất" mới tại sao lại không được nhận giải Nobel danh giá hay là bằng khen của Việt Nam? 
TS Nguyễn Văn Khải (bên trái) và nhà khoa học dùng "tia đất" tìm thi thể chị Huyền.
Trước thông tin máy đo tia từ của nhóm nhà khoa học sau khi tìm kiếm thi thể của chị Huyền ở khu vực cầu Thanh Trì đã phát hiện ra tới 30 - 40 thi thể khác bằng máy "đo bức xạ", TS Nguyễn Văn Khải cho biết: Đây không phải là điều gì đó quá bí ẩn. Nếu ai đó chỉ cần có một chút kiến thức về Vật lý thì cũng có thể biết được tất cả những vật có nhiệt độ cao hơn -273 độ C thì đều có bức xạ. Chính vì thế mới có máy đo hồng ngoại.

Ngày trước người ta định vị bằng sóng điện từ - radar, sau đó người ta định vị bằng hồng ngoại mà không phân biệt được đó là người hay động vật.

"Máy định vị của các nhà khoa học tìm thi thể chị Huyền ở sông Hồng là máy định vị bằng tia đất - tia từ thì tôi chả hiểu đó là cái máy gì và đâu là cơ sở khoa học để tin vào những máy đó.

Trước đây, cũng có một số nhà khoa học dùng "máy đo hào quang" để xác định việc cô bé 11 tuổi gây cháy trong miền trong nhưng tôi cũng thực sự không hiểu máy "đo hào quang" đó là cái gì khi hào quang bản chất là một vòng sáng 7 màu chứ không phải là nguyên nhân khiến cho cô bé làm cháy các đồ vật" - ông Khải nói.

Quay trở lại vụ việc chị Huyền bị ném xác phi tang, TS Nguyễn Văn Khải cũng phân tích thêm: Nếu việc vứt thi thể chị Huyền ở cầu Thanh Trì là điều có thật thì cho đến hơn 40 ngày mà vẫn tìm thi thể ở cầu Thanh Trì là điều vô lý.
Vì chắc chắn dòng nước đã đẩy thi thể nạn nhân ra xa khỏi khu vực đó. Các nhà khoa học cần phải tính toán được tốc độ của dòng chảy cũng như địa hình ở sông Hồng khu vực cầu Thanh Trì để tìm kiếm.
Trước đó, dựa trên những lý thuyết của TS Nguyễn Văn Khải, vào ngày 17/11, PV báo Đất Việt đã thực hiện cuộc thực nghiệm quá trình phi tang thi thể chị Huyền của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trên cầu Thanh Trì.
Sau cuộc thực nghiệm, theo nhận định của báo Đất Việt, một mình bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường không thể trực tiếp phi tang thi thể chị Huyền xuống sông Hồng được mà phải có ai đó giúp đỡ.

Và thực tế sau đó 2 hôm, tại trại tạm giam công an TP. Hà Nội, bảo vệ Đào Quang Khánh, 17 tuổi - đồng phạm trong vụ việc đã phải thú nhận việc trực tiếp cùng bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt thi thể chị Huyền xuống sông. Mặc dù trước đó, Khánh một mực khai là mình đứng nhìn để mình bác sĩ Tường thực hiện.
Thêm tình tiết bất ngờ từ Đào Quang Khánh
Ngày 4/12, thông tin từ luật sư bào chữa cho Nguyễn Quang Khánh cung cấp, mới đây Khánh đã thừa nhận, nhân lúc chị Huyền hấp hối, tình hình trong thẩm mỹ viện Cát Tường rối ren đã thừa cơ lấy cắp chiếc điện thoại đắt tiền của chị Huyền nhưng sau đó không sử dụng được nên đã cất giấu ở nhà.

Ngoài ra, Khánh còn cho biết, trên cung đường hai người đưa thi thể chị Huyền đi phi tang còn ghé qua Bệnh viện Bưu Điện (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội).
Tại đây, hai người định giả đưa chị Huyền vào trong cấp cứu rồi bất ngờ bỏ đi để tạo ra việc chị Huyền tử vong trong tình trạng không ai thừa nhận. Nhưng sau đó thấy bệnh viện đông người nên không thực hiện được, hai người bèn chở thi thể chị Huyền ra cầu Vĩnh Tuy rồi lại ra tới cầu Thanh Trì để phi tang tại đây.
Vụ Cát Tường Không thể dùng tia đất để tìm xác-1Bệnh viện Bưu Điện (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) luôn sầm uất.
Sáng 5/12, một số điều dưỡng viên ở Khoa Ngoại - Bệnh viện Bưu Điện cho biết: Nguyễn Mạnh Tường là người quen của hầu hết y, bác sĩ ở bệnh viện này vì Tường thường xuyên đến đây tham gia các ca phẫu thuật.

"Trong tối 19/10, không ai trong chúng tôi thấy Nguyễn Mạnh Tường có mặt tại khoa ngoại của bệnh viện cả. Tường thường xuyên tham gia mổ một số ca ở đây nên nếu Tường đến thì ai cũng nhận ra được chứ không có chuyện Tường đến rồi bỏ đi" - một bác sĩ ở Khoa Ngoại - Bệnh viện Bưu Điện khẳng định.

Sau khi có thông tin Nguyễn Mạnh Tường chở thi thể chị Huyền vào bệnh viện Bưu Điện trước khi phi tang ở cầu Thanh Trì, tổ bảo vệ của Bệnh viện cũng đã cho rà soát và tìm hiểu trong các cuộc họp giao ban. Tuy nhiên, cũng không thấy bác sĩ Tường vào trong bệnh viện này vào đêm 19/10.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, Bệnh viện Bưu Điện ở quận Hai Bà Trưng không hề có nhà xác hay nhà  thiêu nên Nguyễn Mạnh Tường đưa thi thể chị Huyền đến đây phi tang là điều không thể.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài - người bán nước ở cổng Bệnh viện Bưu Điện cũng cho biết: "Khu vực cổng bệnh viện này gần chợ Trời nên việc kinh doanh mua bán hàng ngày có nhiều người qua lại.
Chỉ đến khoảng 19h hàng ngày thì hoạt động kinh doanh mới kết thúc. 22h hàng ngày là các nhà đóng cửa nên cũng không thể biết được việc Nguyễn Mạnh Tường có chở thi thể chị Huyền vào trong bệnh viện hay không".
Theo Báo Đất Việt



Bình luậnViết cảm nhận

Chủ liên quan

0 nhận xét

Mới nhất
TIN ẢNH