Từ câu chuyện Flappy Bird, ngẫm lại những bài học giá trị về giấc mơ

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Sự thành công của Flappy Bird mang đến cho giới trẻ chúng ta không chỉ là sự tự hào mà còn là những bài học về cách mỗi người theo đuổi ước mơ của mình.

Những ngày gần đây, tất cả những gì cộng đồng mạng nhắc đến là Flappy Bird, về trò chơi này đã khó thế nào, thành công ra sao, kiếm được bao nhiêu tiền. Và nhắc nhiều hơn cả là về Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird, người đã làm nên kỳ tích Flappy Bird trên "đấu trường" quốc tế.

Điều thú vị và phi thường là ở chỗ, Hà Đông chỉ có "một thân một mình" khi làm nên Flappy Bird. Tự viết trò chơi trong 3 ngày, tự upload lên Apple Store, không cần đến sự nhúng tay của chiêu trò hay chiến dịch Marketing nào cả. Những gì chàng trai này có được ngày hôm nay là nhờ sự cố gắng hết sức và một chút may mắn nhỏ. Tạm thời bỏ qua những bước đường tương lai của Flappy Bird, cũng xin phép không nhắc đến chuyện liệu Flappy Bird có bị chính "cha đẻ" của mình khai tử hay không, câu chuyện của Hà Đông đã hàm chứa nhiều bài học hay và có thể truyền cảm hứng cho bất cứ bạn trẻ nào trong số chúng ta, những người đang ôm trong mình một ước mơ, một tham vọng và một đam mê.


Từ bài học về sự theo đuổi ước mơ

Những gì chúng ta biết được về Hà Đông, đơn giản chỉ là một anh chàng giản dị với ngoại hình bình thường, từng theo học ở trường Bách Khoa và có một giải thưởng nhỏ về làm game. Có lẽ cuộc đời anh vẫn sẽ trầm lặng, bình thường như thế nếu không có Flappy Bird. Hoặc giả, anh chán ngán nhịp sống thường ngày và thay đổi, làm một cái gì khác cho giống những người khác, để thú vị theo kiểu người khác, có lẽ giờ này chúng ta cũng không có Flappy Bird để mà tự hào. Vậy vấn đề ở đây là gì? Đơn giản chỉ là một bài học đã cũ: Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, cho dù cả thế giới làm bạn thấy nó bất khả thi.
Từ câu chuyện Flappy Bird, ngẫm lại những bài học giá trị về giấc mơ 2
Bất khả thi khi mà mỗi ngày, có đến cả trăm nghìn game mới được upload lên Apple Store, và sẽ chẳng cách nào để người chơi có thể tìm ra bạn nếu bạn không bỏ ra cả triệu đô la để quảng cáo cho trò chơi của mình. Bất khả thi khi mà cuộc sống xung quanh quay đều với những con người nổi bật, quảng giao và có một sự nghiệp nhất định, thì bạn vẫn đang cố gắng bước từng bước nhỏ một trên con đường sự nghiệp vốn đã ít cơ hội và khó thành công. Mọi việc đều khó, mọi thứ đều cản trở, nhưng chìa khóa đến thành công chỉ dành cho người kiên định với giấc mơ của mình. "Bạn không bao giờ thất bại trừ khi bạn ngừng cố gắng". Đó là một câu nói nổi tiếng của Albert Einstein và Hà Đông chính là minh chứng rõ rệt nhất cho câu nói này. Đúng vậy, Hà Đông chưa ngừng cố gắng cho giấc mơ và niềm đam mê của mình, và điều đó đã khiến anh thành công.

Câu chuyện của Hà Đông cũng có chút gì đó gần giống như câu chuyện của Running Man Vũ Xuân Tiến. Cho dù mỗi câu chuyện thú vị và truyền cảm hứng cho chúng ta theo những cách rất khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một tinh thần, đó là không bao giờ từ bỏ thứ mình mong muốn. Như đã nói ở trên, Hà Đông sẽ chẳng thể thành công nếu anh ấy sợ chính ước mơ của mình sẽ hủy hoại tương lai và sự nghiệp ở tuổi đã kề 30. Running Man cũng sẽ chẳng thể nổi tiếng đến thế, lá cờ Việt Nam sẽ chẳng thể bay phấp phới trên mặt sân Emirates một cách đầy tự hào nếu ngày hôm đó, Xuân Tiến không chạy hết mình theo đoàn xe của các Pháo thủ mà không sợ mình bị chụp ảnh quay clip tung lên mạng với những lời bình luận cay độc nhất (Kiểu như… fan cuồng chẳng hạn). Ước mơ đến với họ trọn vẹn và ngọt ngào, là vì họ đã sống cùng với nó qua những giờ phút khó khăn nhất. 
Từ câu chuyện Flappy Bird, ngẫm lại những bài học giá trị về giấc mơ 3
Đặt ngược lại câu hỏi, nếu là bạn, bạn có giữ được sự kiên trì như Hà Đông và Xuân Tiến? Bạn có tin tưởng ở những gì mình làm đến mức bỏ ngoài tai mọi lời xì xào hay phớt lờ mọi sự cảnh báo, không ngán ngẩm khi đối mặt với khó khăn? Sức mạnh và niềm đam mê của chúng ta được chứng tỏ trong giờ phút này. Tôi từng biết rất nhiều bạn trẻ, hàng ngày phải đối mặt và giằng xé giữa một công việc ổn định được bố mẹ sắp xếp cho và một đam mê đầy mạo hiểm của chính mình. Họ mắc kẹt giữa hai ranh giới đấy hàng ngày và không thể thoát ra được vì chính sự nhu nhược của bản thân mình. Một nửa muốn phiêu lưu và thử sức, sống trọn với những gì mình thích, và một nửa thì sợ khi phải trở thành người thua thiệt trong một cuộc sống vị vật chất nhàm chán hàng ngày. Không biết đến một lúc nào đó, nếu hổ thẹn với chính bản thân mình vì đã không dám sống đúng với ước mơ của mình, không cố gắng vì nó, họ có hối hận không?
Từ câu chuyện Flappy Bird, ngẫm lại những bài học giá trị về giấc mơ 4
"Mỗi người trên trái đất đều có một kho báu chờ đợi họ". Paulo Coelho đã viết như thế trong tác phẩm lừng danh "Nhà giả kim" của mình, và bạn làm sao có thể có được kho báu của mình nếu bạn không đi tìm chúng? Vậy thì đừng ngại, nếu bạn muốn chạy và khóc lóc vì thần tượng, hãy cứ làm vậy nếu bạn thấy thế là đúng với cảm xúc của mình. Nếu bạn muốn làm DJ thay vì ngồi trở thành một công chức nhà nước, hãy cứ làm thế. Điều cốt lõi là chúng ta đã hạnh phúc và đó mới chính là giá trị bạn cần, chứ không phải là bao nhiêu tiền đã kiếm được và người khác nhìn bạn ra sao.

... Đến bài học về giá trị bản thân của mỗi người


Hà Đông - "Triệu phú" Flappy Bird vốn là một chàng trai bình thường như bao người khác. Trước Flappy Bird, chẳng ai chú ý đến Hà Đông, chẳng ai biết anh là ai, anh học cái gì, anh làm gì. Trong mắt hàng xóm, anh chàng này có phần hơi "lập dị" vì quá kín đáo và khép mình, thậm chí, người hàng xóm nói: "Đúng như cái tên, cậu ấy lạnh như mùa đông Siberia".

Ấy vậy mà chỉ sau một đêm, Hà Đông vụt sáng trở thành cái tên được săn đón nhất của truyền thông trong nước và quốc tế. Ai cũng đặt câu hỏi: "Hà Đông là ai?", "Hà Đông học gì?", "Công ty của Hà Đông quy mô như thế nào?", "Hà Đông là thiên tài đúng không?". Đáp lại những câu hỏi của truyền thông là một Hà Đông…. nhất quyết không ra mặt. Anh chàng ở riết trong nhà nhất quyết không tiếp xúc với báo giới, trừ một số ít tờ báo có tiếng về công nghệ. Hình ảnh rất ít, câu trả lời rất ít, thông tin cá nhân lại càng ít hơn.

Từ câu chuyện Flappy Bird, ngẫm lại những bài học giá trị về giấc mơ 5
Người ta nói anh chảnh, lập dị, nhưng tôi nghĩ đơn giản hơn, đó là Hà Đông không muốn mọi người chú ý đến mình thay vì sản phẩm của mình. Nếu Hà Đông ra mặt, liệu truyền thông có để yên cho anh? Hay sẽ có hàng loạt những bài viết về đời sống riêng của Hà Đông, về việc anh mặc gì, ăn gì, chơi gì, làm gì…vv..  Những bài viết đó và sự săn sóc đó hoàn toàn không phải là xấu, nó có thể khiến mọi người yêu quý anh hơn, giúp anh nổi tiếng hơn, chắc chắn là như vậy. Nhưng nó cũng sẽ làm mất đi bản sắc vốn có của Hà Đông cũng như chỉ khiến người ta nhớ về Hà Đông như một kẻ mới chập chững bước vào thế giới hào nhoáng của sự nổi tiếng, thay vì một lập trình viên tài năng có trò chơi khuynh đảo cả thế giới.

Và đó cũng là một bài học nhỏ mà Hà Đông đã dạy cho chúng ta. Đó là hãy luôn giữ vững được giá trị của mình trước những làn sóng thay đổi chóng mặt từ bên ngoài. Điều đó không chỉ giúp cho bạn luôn được sống đúng với bản thân, mà còn bảo vệ bạn khỏi những búa rìu ác ý từ cộng đồng. Nó cũng giúp người khác chú ý về cái bạn làm được thay vì bạn mặc gì, bạn đi với ai, bạn đã làm gì sai. Đó là cách chân chính nhất để chứng tỏ thực lực của bản thân mà có lẽ, chưa nhiều người thấu hiểu được.

Tạm kết


Ngày hôm qua, Nguyễn Hà Đông đã đăng một tweet chia sẻ về việc anh sẽ chính thức đóng cửa game vào ngày hôm nay. Người thì cho rằng anh dại dột, cũng có người nhận xét anh tỉnh táo và thông minh. Nhưng xin mạn phép không bàn về chuyện đó, chỉ mong rằng từ những tiếng vang của Flappy Bird, vượt lên tất cả, giấc mơ thành sự thật, một niềm tự hào to lớn và cả những bài học sẽ được giới trẻ Việt Nam biết đến, nhận ra và hiểu sâu sắc.




Bình luậnViết cảm nhận

Chủ liên quan

0 nhận xét