Lần đầu tại Việt Nam hai bé sinh đôi chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng đã chết cách đây 3 năm.
Tiến sĩ Vệ thăm ba mẹ con chị Dung sau khi sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Tiến sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - người thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm hy hữu này kể lại, tháng 3/2010, ông nhận được điện thoại của chị Dung muốn trữ tinh trùng của chồng, khi đó anh khoảng 27 tuổi, đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Nghĩ làm được nên ông cùng đồng nghiệp đến nhà xác Bệnh viện huyện Thanh Trì mở bìu lấy tinh hoàn phải. Sau đó ông đem cắt thành 14 mẫu mô, kiểm tra vẫn thấy tinh trùng sống nên bỏ vào đông lạnh lưu trữ. Người chồng chết trước đó khoảng 6 giờ.
Theo chị Dung, hai vợ chồng chị yêu nhau từ năm 2002, nhưng đến 2009 mới cưới vì sau đó chị đi du học ở Pháp. Đến tháng 9/2009 chị sinh bé gái đầu lòng. Tại họa bất ngờ đổ ập xuống gia đình khi anh đột ngột qua đời vì tai nạn tàu hỏa, khi đó cô con gái mới được 6 tháng.
“Lúc đi du học mình đọc thông tin về việc trữ tinh trùng của người đã chết. Vì thế lúc chồng đột ngột qua đời mình nghĩ ngay đến việc này. Sau một hồi hỏi han bạn bè, đến bệnh viện mình hỏi được số điện thoại của bác sĩ Vệ để nhờ giúp đỡ. Bác sĩ nhận lời giúp với điều kiện là có công an chứng kiến”, chị Dung kể lại.
Năm 2012, chị định sinh con nhưng cháu đầu còn nhỏ nên lại thôi. Một phần cũng sợ dư luận, sợ bị mang tiếng nên chị quyết định đoạn tang chồng mới làm thụ tinh ống nghiệm. Các bác sĩ tiêm thuốc kích trứng, sau đó lấy trứng thụ tinh với tinh trùng thành phôi chuyển vào tử cung chị. Ba tháng đầu có thai chị được theo dõi tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thời gian sau là tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Hai bé được đặt tên là Hoàng Đức và Hoàng Hải theo họ của cha. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Theo tiến sĩ Vệ, trường hợp sinh con của chị Dung về mặt kỹ thuật không có gì khó. Tuy nhiên, đây là ca đặc biệt hy hữu, lần đầu tiên tại Việt Nam có trẻ được sinh ra nhờ tinh trùng được lấy từ người bố đã chết.
“Tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30%, còn một lần đạt kết quả ngay thì cũng phải do may mắn. Tôi cũng nín thở từng phút chờ đến ngày sinh. Bệnh viện đã tự bỏ tiền làm xét nghiệm ADN của mẹ, hai bé và của chồng đã chết và kết luận đây là con của hai vợ chồng”, tiến sĩ Vệ nói.
Theo một chuyên gia về gene, đây thực sự là thành tựu của y học. Tuy nhiên, để khẳng định chính xác hai trẻ có đúng là con của người đã mất hay không thì cần làm xét nghiệm ADN của hai bé với bà nội hoặc anh (chị) em ruột của người đã mất.
Còn theo một bác sĩ sản phụ khoa lâu năm tại Hà Nội, về mặt khoa học, một người đã mất 6 tiếng, nhất là được bảo quản lạnh thì tinh trùng vẫn có thể sống. Với kỹ thuật hiện tại của y học Việt Nam thì có thể làm được những ca sinh nở như thế. Tuy nhiên, pháp luật hiện chưa quy định về việc này, hiện chỉ cho phép lưu trữ tinh trùng để dùng cho những trường hợp bị vô sinh, hiếm muộn; được sự đồng ý của người cho. Còn như trường hợp trên việc lấy tinh trùng lưu trữ không có sự đồng ý của người cho.
Mới đây, một góa phụ người Anh đã sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết để cố gắng thụ thai. Luật pháp tại đây quy định việc lưu trữ, sử dụng tinh trùng cho việc thụ tinh trong ống nghiệm của một người đàn ông phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.
Theo Vnexpress
Chủ liên quan
Bình luậnViết cảm nhận