Không phải án tử hình, mà những giọt nước mắt của mẹ mới là thứ còn đọng lại trong lòng phạm nhân và những người chứng kiến.
Trong tuần vừa qua, việc xét xử hai vụ án trọng điểm về Vinalines tại Hà Nội và chặt tay cướp SH tại thành phố Hồ Chí Minh đã choáng tất cả mặt báo. Đọng lại trong lòng mọi người không phải là án tử hình của Dương Chí Dũng và Hồ Duy Trúc, vì đó đã là kết quả được dự báo trước, mà là nước mắt của hai người mẹ.
Sau phiên xử, gia đình của Hồ Duy Trúc đã đại náo nơi xét xử án, cụ thể là tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Bà mẹ chửi bới những người không xử án không tiếc lời, thậm chí còn độc mồm: “Nếu biết con tao bị tử hình thì tao đã chuẩn bị dao giết con Thúy tại tòa”. Chưa hết, chị của nạn nhân còn dùng đá ném vào nơi làm việc của các thẩm phán, thư ký; rồi bao biện: “Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”.
Theo đó, dư luận đã cực kỳ bức xúc trước phản ứng ngoan cố và vị kỷ của gia đình Trúc, chỉ biết nghĩ tới nỗi đau của mình mà không biết tới nỗi đau của người khác. Nhiều người cũng kết luận, thật dễ hiểu khi tội nhân mới 20 tuổi mà máu lạnh, mất hết tính người như thế, bởi “nhà dột từ nóc” hay “cái ác được gieo mầm từ lâu”.
Tuy nhiên, với những ai theo dõi suốt 2 phiên tòa và hiểu gia cảnh của Trúc đều không gay gắt thế. Với bà Trần Thị Út, thì dù Trúc có làm bị thương bao nhiêu người, có tàn ác như thế nào, vẫn là con của bà, vẫn là người bà rứt ruột đẻ ra. Chưa nói, Trúc là đứa con trai duy nhất trong nhà, là người sẽ nối dõi tông đường. Thế nên, khi niềm hy vọng duy nhất bị “giết chết”, thật dễ hiểu khi bà ta chuyển sang đe dọa, chửi bới từ nạn nhân cho đến chánh án.
Trước đó, lúc chưa tuyên án, ai cũng thấy se lòng khi nhìn ánh mắt đau đáu thương yêu của bà Út dành cho Trúc. Nhiều người thậm chí còn muốn hỏi Trúc, liệu hắn ta có cảm thấy hối hận khi bà mẹ già yếu tiều tụy của mình phải lặn lội từ Phan Rang vào Sài Gòn để nghe người ta tuyên án con mình.
Nhưng hẳn chắc chắn một điều, ít nhiều trong phiên tòa Trúc có liếc nhìn về phía mẹ. Và trong phút giây nào đó dù nhiều người cho hắn là mặt lạnh, không hối cải. Thì hẳn thâm tâm của Trúc vẫn chứa niềm day dứt, đau đớn khi thấy mẹ mình phải quỳ lạy và gần như hóa điên khi bản án tử được tuyên.
Sau khi án vừa tuyên, mẹ Trúc ngã vật xuống đất khóc nức nở, liên tục gọi tên con. Sau đó, bà còn quỳ xuống lạy hội đồng xét xử, mong họ mở lòng từ bi, cho con trai bà cơ hội làm lại cuộc đời. Tấm lòng người mẹ của bà không lay động được bản án nghiêm minh, nhưng lay động được nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Thúy. Dù hiện tại, hậu quả mà chị nhận vẫn chưa được khắc phục hết, nhưng chị vẫn muốn làm đơn xin giảm án cho Trúc.
Dương Chí Dũng tại tòa.
Khác với mẹ của Trúc, mẹ của Dương Chí Dũng không thể có mặt tại tòa để nghe các thẩm phán đọc bản án tử hình cho con mình, vì bà đã 81 tuổi. Dù biết con mình tội lỗi đầy mình, nhưng cũng như các bà mẹ khác, bà Trần Thị Hương, không thể ngồi yên nhìn con mình sắp chết.
Một người vừa xưng danh là Trần Thị Hương, mẹ của Dương Chí Dũng, vừa gửi cho một tờ báo điện tử lá đơn có tiêu đề “Đơn xin cứu xét”, để mong các cơ quan chức năng lần nữa xem xét lại tội trạng của con trai bà, mong bản án được giảm bớt để con bà có cơ hội làm lại.
“Tôi không dám bao che, chưa dám xin giảm án, mà chỉ mong các cơ quan hành pháp bình tĩnh trước khi phán quyết sự sống của một con người”, lá đơn có đoạn viết.
Làm mẹ, chẳng ai lại dạy con mình ăn cướp, tham ô hay hối lộ, bà Hương càng không như thế, vì bà có một người chồng từng là khắc tinh của các thể loại tội phạm của đất Cảng. Bố của Dũng, cụ Dương Khắc Thụ, nguyên là giám đốc Công an Hải Phòng. Vợ của người thực thi pháp luật, nay phải viết đơn “năn nỉ” những người thực thi pháp luật giảm tội cho con! Thật không có hoàn cảnh nào trớ trêu hơn thế!
Mẹ của Sỹ đã ngất xỉu sau khi tòa tuyên án tử hình cho con trai.
Cách đây vài tháng, một cảnh đau lòng không kém cũng diễn ra ở tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ của Lê Tiến Sỹ, sinh năm 1990 đã òa khóc nức nở và ngất xỉu ngay tại tòa khi con trai bị tuyên án tử hình. Trái tim của người mẹ đã không thể chịu nổi khi nghĩ đến việc mình sắp mất đi đứa con bé bỏng cùng niềm hối hận khôn nguôi vì đã thiếu quan tâm nhiều đến con.
Do mâu thuẫn, cha mẹ Sỹ chia tay sớm. Vì miếng cơm, manh áo, chị mới gửi Sỹ cho ông bà ngoại chăm sóc để đi làm kiếm tiền. Thiếu tình thương và giáo dục từ ba mẹ, suy nghĩ của Sỹ trở nên lệch lạc. Vì không được chị Võ Thị Ngọc Hiếu (SN 1988, quê Đồng Tháp) đáp lại tình cảm, Sỹ đã giết chị Hiếu, rồi tìm cách tự tử nhưng không thành công dẫn đến kết cục là phải đền tội bằng bản án tử hình.
Thế nên, khi thấy nước mắt của những người mẹ ở trên tòa án, nếu đã là cha mẹ, bạn hãy bỏ công hơn nữa trong việc dạy dỗ còn cái. Còn trong vai trò là con cái, hãy cố sống làm sao để cha mẹ đừng bao giờ phải đau khổ.
Quỳnh Như (Theo Báo Đất Việt)Chủ liên quan
Bình luậnViết cảm nhận