NHANH, GỌN
Chiều 26-11-2013, chúng tôi lưu thông trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Tân Bình), được một nhân viên khoảng 25 tuổi tại tiệm sửa xe M.K ngoắc lại hỏi: “Sửa xe hay luộc đồ?”. Chúng tôi nói: “Xe mượn, không có nhu cầu luộc” thì một nhân viên tên H. rỉ tai: “Xe đi mượn đâu có sao, rút mấy món là có ngay tiền triệu, ai biết đâu mà sợ”. Anh này mách nước: “Các linh kiện bị rút sẽ được thay lại bằng đồ cũ hoặc đồ Trung Quốc y chang đồ “zin”. Sau khi “luộc”, xe vẫn chạy ầm ầm. Chỗ anh làm có bảo hành đàng hoàng, sau này xe có vấn đề gì thì qua đây, sẽ được sửa miễn phí”, H. khẳng định.
Rộng khoảng 40m2 nhưng cơ sở M.K chất đầy các loại nhông, xích, bình xăng con, bộ nồi lửa... Đa phần các linh kiện đã qua sử dụng hoặc đồ Trung Quốc chủ yếu dùng để thay thế các bộ phận của chiếc xe bị “luộc”. Nhân viên tên H. cho biết: “Có hai kiểu “luộc” là “luộc” trong và “luộc” ngoài. “Luộc” trong là “rút” các bộ phận trong lốc máy, loại này kỳ công nhưng được trả hoa hồng cao hơn, từ 700.000 đồng đến một triệu đồng. “Luộc” ngoài, còn gọi là “luộc tàu nhanh” gồm các bộ phận: IC, bình xăng con, phuộc trước, phuộc sau, thắng đĩa, bình điện... Loại này dễ đánh tráo, nhưng “hoa hồng” thấp hơn. Mỗi bộ phận của “luộc” ngoài có giá không quá 100.000 đồng. Để được “hoa hồng” cao thì nên làm kết hợp kiểu “luộc” trong với một vài bộ phận “luộc” ngoài”.
Tùy từng loại xe, từng bộ phận mà mỗi chiếc xe đem “luộc” sẽ được chủ tiệm trả hoa hồng theo những mức khác nhau. Hoa hồng một triệu thì họ sẽ rút các bộ phận bên trong lốc máy như bình xăng con và bộ nồi hơi; hai triệu thì rút hai bộ phận kể trên cộng thêm phuộc trước, phuộc sau, pô, bộ đánh lửa... tổng cộng là sáu món; ba triệu thì phải “nấu cháo” toàn bộ chiếc xe. H. tư vấn: “Nếu xe đi mượn, nên “rút” các món đồ trị giá khoảng một triệu đồng là vừa. Làm ba triệu sẽ “mổ” tanh bành chiếc xe, khi trả về dễ bị chủ xe phát hiện. Nếu khách yêu cầu rút “tới bến” thì cửa hàng cũng làm, nhưng bị lộ thì rắc rối to. Tất cả các công đoạn từ việc tháo dỡ, rút ruột rồi lắp ráp lại đồ “đểu” vào chiếc xe được làm khoảng 20 phút là xong”.
Sau cuộc “đại phẫu”, những chiếc xe xịn sẽ mang trong mình “trọng bệnh”, nhìn bề ngoài rất khó phát hiện chiếc xe đã bị rút ruột hay không. Ông chủ tiệm tại đây chỉ tay vào chiếc xe đang “luộc” nói: “Bộ phận nào bị rút sẽ được thay bởi linh kiện nhái y chang đồ “zin”, không phải thợ làm xe chuyên nghiệp thì chỉ có trời mới biết. Sau này muốn ráp lại đồ xịn đến đây bỏ thêm 700.000 đồng, tụi tôi làm lại cho”.
XE CHÍNH CHỦ, LÀM ĐỦ MÓN
Sáng 28-11-2013, có mặt tại đường Tân Thành (quận 5), chúng tôi được một nhân viên “nhí” của một tiệm sửa xe giới thiệu qua chỗ anh K. - là người chuyên “luộc đồ” xe máy tại khu vực này. Tiệm của anh K. nằm ngay lề đường lúc nào cũng có ba đến bốn nhân viên túc trực. Lúc chúng tôi đến, K. đang định giá để “mổ” một chiếc xe cho khách. Anh ta liếc qua chiếc xe hỏi khách cần bao nhiêu tiền để anh ta ra giá các bộ phận cần “luộc”. Khách nói: “Đang cần gấp ba “chai” (ba triệu đồng - NV)”. K. hỏi tiếp: “Xe chính chủ hay đi mượn?”. Khách trả lời: “Xe mượn”. K. tặc lưỡi: “Xe này cùng lắm chỉ “rút” được hai “chai” thôi! Làm tới ba “chai” thì còn gì là xe, không đi nổi nữa đâu”. K. giãi bày: “Xe bọn nó “nhảy dù” đưa qua đây tụi tôi cũng chỉ dám thâu nguyên chiếc là bốn “chai”. Nếu là xe của người thân trong gia đình hoặc xe chính chủ, “luộc” cả chiếc luôn, hoa hồng tối đa là ba “chai” rưỡi”.
Sau một hồi bàn luận với khách, anh K. tiếp tục gạ: “Nếu cần tiền gấp, anh về mượn thêm chiếc xe nữa mang qua đây. Bây giờ “mổ” cái này trước, lát mượn cái nữa mang qua “mổ” tiếp. Xe đi mượn mà “ăn” nhiều sẽ không ổn, mỗi cái “lột” một ít sẽ an toàn hơn”. Tại cửa hàng của K., khách đến đây đa phần là xe đi mượn nên K. chỉ rút bình xăng con và nòng lửa vì những phần này nằm trong xe, lắp phụ tùng “dỏm” rất khó bị phát hiện. Giá của hai bộ phận này được K. trả từ một triệu đồng đến 1,5 triệu đồng tùy mới, cũ.
Chúng tôi đến một tiệm khác trên đường Phạm Hữu Trí (quận 5) hỏi “luộc” xe. Tiệm này lúc nào cũng có hai nhân viên đứng lề đường, khi khách đi qua thì ập tới gạ gẫm. Thấy chúng tôi đứng xớ rớ bên cạnh tiệm, một nhân viên trong tiệm nhanh chân đến hỏi: “Muốn “luộc đồ” hả? Vào trong, tụi này định giá xem sao”. Sau một hồi nói chuyện với nhân viên về các mánh và giá cả của chiếc xe đem “luộc”, chúng tôi có ý định không “luộc” nữa liền bị nhân viên của tiệm dằn mặt: “Không “luộc” đồ thì đừng léng phéng vào đây hỏi vớ vẩn, muốn bị tóm hả?”.
Vào một số tiệm sửa xe kiêm “luộc” đồ trên các tuyến đường Dương Tử Giang, Phạm Hữu Trí, Tân Thành (quận 5), chúng tôi chứng kiến cảnh “luộc” đồ rất nhộn nhịp. Nhiều tiệm nhận “luộc” xe ngay tại cơ sở của mình, một số khác thì móc nối với cửa hàng ở lân cận để ăn “hoa hồng”. Các tiệm tại đây còn nhận “độ” xe, bán hàng kém chất lượng, không nguồn gốc, nhãn mác, nhiều linh kiện bày bán còn là hàng tháo gỡ từ những chiếc xe “nhảy dù”.
Theo CA TP HCM