Trong thông cáo phát đi tối 29/12, Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) cho biết vào 0h ngày 28/12 đã hoàn tất bổ sung dung lượng kết nối Internet, nhằm giảm ảnh hưởng từ việc đứt cáp biển AAG tuần trước. 70% dung lượng thiếu hụt do sự cố trên gây ra đã được phục hồi. Dự kiến, tuyến cáp biển AAG sẽ được sửa chữa hoàn tất vào ngày 9/1/2014.
Theo lãnh đạo FPT Telecom, hiện doanh nghiệp có hơn một triệu thuê bao, trong đó bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Khi xảy ra sự cố, đơn vị đã áp dụng một số biện pháp để đảm bảo không ảnh hưởng tới khách hàng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp. Thống kê về thiệt hại tài chính chưa được đưa ra, nhưng ước tính con số cuối cùng không phải nhỏ khi các nhà mạng phải tốn chi phí mua thêm băng thông phục vụ.
"Chi phí cho các trường hợp này có thể đắt hơn vài lần so với bình thường", lãnh đạo này chia sẻ thêm.
 Trao đổi với VnExpress.net, ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc công ty Viễn thông Quốc tế (VNPTI) cũng cho biết đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để tàu sửa chữa vào khu vực đứt cáp. "Dự kiến ngày 31/12 tàu sẽ tới nơi và hoàn tất mọi việc trước ngày 9/1/2014", ông cho hay. Nếu mọi việc suôn sẻ, hệ thống sẽ trở lại hoạt động bình thường sớm nhất vào ngày 7/1. Theo ông, nhờ sử dụng các tuyến cáp dự phòng mà đến lúc này liên lạc vẫn đảm bảo dù tốc độ truy cập với dung lượng lớn ra hướng quốc tế không được như mọi khi.
Chiều 20/12, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way) thông báo phân đoạn cáp Vũng Tàu - Hong Kong (Trung Quốc) đã đứt. Khu vực đứt cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 278km, thuộc phân đoạn cáp S1H. 
Sự cố ước tính gây ảnh hưởng tới 60% lưu lượng Internet của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam. Theo đó, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… sẽ có thể bị chập chờn, gián đoạn do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
Ngay khi xảy ra sự việc, FPT Telecom đã sử dụng tuyến cáp đất liền để chuyên tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới người dùng.
Một chuyên gia viễn thông cho biết sự cố với AAG thường xảy ra, thậm chí có năm đứt đôi ba lần nên công tác khắc phục ngày càng hoàn thiện. "Khả năng sửa xong trong 2 tuần khó xảy ra nhưng cũng không còn kéo dài tới 6-7 tuần như trước", bà nhận định. Do chịu sự tác động của môi trường đặc biệt nên tuy được chế tạo chắc chắn, cáp vẫn có thể đứt nếu tàu biển thả neo trúng hoặc kéo neo qua. 
AAG là tuyến cáp quang biển dài hơn 20.000 km được khởi công tháng 4/2007, tổng vốn đầu tư khoảng 560 triệu USD, bắt đầu từ Malaysia (TM) và kết cuối tại Mỹ (AT&T). AAG có các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Brunei), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)...
Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km, cập bờ tại Vũng Tàu và chính thức hoạt động từ tháng 11/2009. Nhánh cáp này có 4 thành viên tham gia, gồm FPT Telecom, VNPT, Viettel và SPT.
FPT Telecom khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải.
Theo VnEpress