Thay tượng Phật bằng tượng mình: Sư về đòi mang ôtô đi

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013
Sư trụ trì nhưng không có chìa khóa chùa
Trưởng công an xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội), ông Phí Đình Sử cho biết: “Sau khi họp giao ban chiều ngày 14/11/2013, chúng tôi đã được nhân dân thông báo về việc hai bức tượng trong gian thờ chính của chùa Chân Long bị hư hỏng, một bức bị rụng tay, một bức bị nứt cổ.
Theo phản ánh của người dân, khi sư Thích Minh Phượng khênh bức tượng chân dung ông này ra khỏi bệ đã va đập vào các bức tượng khác. Do chùa là di tích đã được xếp hạng nên chúng tôi triển khai đến lập biên bản hiện trang vào ngày hôm sau”.

“Sáng ngày 15/11, sư trụ trì của chùa là Thích Minh Phượng đến ủy ban xã để lấy chìa khóa để mở cửa chùa. Ủy ban xã đã nói thẳng ông là trụ trì, được nhà nước giao giữ trách nhiệm trông coi chùa, chìa khóa phải do ông giữ, hoặc các thành viên của Hội tự, sao lại đến chính quyền xã tìm?
Đồng thời, một đoàn công tác đi cùng với sư Phượng đến chùa để lập biên bản, trong đó có phó công an xã Đỗ Vi Ất.” – ông Sử cho biết.

Sư Thích Minh Phượng tại chùa Chân Long sáng 15/11 (Ảnh do người dân cung cấp)
Theo lời kể của trưởng thôn 4 xã Chàng Sơn (chùa Chân Long thuộc thôn 4), sau khi đến chùa, người dân đã nhanh chóng phát hiện ra sự có mặt của vị sư này tại chùa và kéo đến rất đông. Hiện tại, dân xã Chàng Sơn đang rất bức xúc và có mâu thuẫn với vị trụ trì này.

Sau khi làm biên bản về việc hai bức tượng bị hỏng với nội dung như sau: “Có 1 pho tượng ở vị trí thứ 3 tính từ dưới lên bên tay trái theo hướng từ cửa Tam Bảo đi vào bị gãy tay (gãy rời phần bàn tay) và 1 pho tượng ở vị trí thứ 4 tính từ dưới lên bên tay trái bị rạn cổ.” Biên bản lập xong lúc 10 giờ, ngoài nội dung trên, đoàn làm việc của xã không còn lập thêm biên bản với nội dung nào khác.

Trưởng công an xã, ông Phí Đình Sử cho biết: “Việc bức tượng bị gãy, rạn do nguyên nhân gì thì các cơ quan chức năng còn cần phải xem xét, kiểm tra”.

Về lập biên bản tiện lấy luôn xe ô tô

Được biết, sau khi rời khỏi chùa ngày 5/11, sư Thích Minh Phượng vẫn để lại chùa chiếc xe ô tô hiệu Kia Morning của mình trong gara. Người dân đề phòng vị sư này về mang xe đi và sẽ không bao giờ quay lại chùa nên đã dùng một ổ khóa khác khóa gara này lại.

Sáng 15/11, sau khi lập biên bản về việc hư hỏng tượng cổ, sư Phượng yêu cầu người dân mở khóa gara để mình lấy chiếc ô tô đi, nhưng người dân không đồng tình. Trưởng thôn 4 xã Chàng Sơn cho biết, người dân đang rất bức xúc, họ cho rằng ông về tay nải thì đi cũng phải tay nải, không thể đi ô tô được.
Xung quanh việc nhà sư muốn lấy ô tô đi, có rất nhiều người dân xã Chàng Sơn chứng kiến. Anh Phí Chín, người dân xã Chàng Sơn đã cung cấp hình ảnh cho Báo Đất Việt đã khẳng định thông tin này. Ông Điệp, thôn 7 xã Chàng Sơn cũng chứng kiến sự việc.
Hiện tại, chiếc xe vẫn bị khóa trong gara của sư Phượng xây trong khuôn viên của chùa.

Ô tô của sư Phượng trong gara
So sánh bức tượng chân dung tự tạc với nguyên mẫu tại Yên Tử

Trao đổi với báo Đất Việt ngày 13/11, trụ trì chùa Pháp Vân, Phó văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Thượng Tọa Thích Thanh Huân cho biết đã được nghe thông tin về vụ việc rắc rối của sư Phượng chùa Chân Long và người dân xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất).

Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết về bức tượng được cho là chân dung của sư Phượng , với nguyên mẫu của bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử, có khá nhiều điểm khác nhau. Từ tỉ lệ của phần đầu tượng so với thân tượng, các chi tiết như đôi tai, đôi môi, khóe mắt, tư thế tay đều khác.
Tượng nguyên mẫu Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử (Quảng Ninh) và bức tượng tại chùa Chân Long.

Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Thanh Huân cũng chia sẻ thêm, cần chú ý một điều, trước đây Việt Nam chưa có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, mà chỉ mới vài năm gần đây mới có xu hướng các chùa đưa tượng này vào thờ. Do đó, khó có một hình mẫu nào cụ thể cho bức tượng này. Ngoài ra, rất có thể vì tượng còn mới nên người dân nhạy cảm và cho rằng sư Phượng tự đưa tượng mình để thờ.

Với tâm lý những người ở nông thôn, mọi thông tin được lan truyền rất nhanh theo hình thức truyền miệng và rất có thể bị tam sao thất bản, do đó, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nhanh chóng để tìm ra sự thật, tránh gây tâm lý bức xúc trong dân và ảnh hưởng đến hình ảnh của đạo Phật và Phật tử.

Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Thanh Huân cũng chia sẻ về việc cần phải xem lại tư cách của vị sư này khi để nhân dân cả một xã nổi giận và những hình ảnh không hay về lối sống.
Minh Tú (Báo Đất Việt)



Bình luậnViết cảm nhận

Chủ liên quan

0 nhận xét