Phụ huynh hoảng loạn vì quá sợ bảo mẫu 'đồ tể'

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013
Chuyện em bé 18 tuổi bị bảo mẫu đạp vỡ tim phổi đến chết khiến rất nhiều ông bố bà mẹ đang phải trông cậy vào dịch vụ trông trẻ tại nhà rụng rời, vì quá lo sợ cho con mình.


Biết là nguy hiểm, nhưng gửi con vào đâu?

Mấy hôm nay, mọi người ở công ty của Hoa (27 tuổi, sống ở Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ toàn bàn tán về chuyện bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở TP HCM đạp chết em bé 18 tháng tuổi mà thị nhận trông, khiến Hoa lòng như lửa đốt. Bởi con của cô cũng đang được gửi cho một bà trông trẻ trong xóm.

Dịch vụ trông trẻ chỗ Hoa gửi con về hình thức không khác gì dịch vụ của các "bảo mẫu hổ" từng gây rúng động dư luận như Quảng Thị Kim Hoa, kẻ vừa giật tóc vừa tát trẻ để đút cơm vào miệng, hay Trần Thị Phụng, kẻ tắm cho trẻ bằng cách đạp lên lưng và hắt nước vào mặt... và "mới" nhất là bảo mẫu 9X Hồ Ngọc Nhờ. 

"Không phải vì có vụ này em mới biết gửi con kiểu đó không an toàn, nhưng em chẳng có cách nào khác cả", Hoa nói. "Và khi vụ em bé bị đạp vỡ tim này xảy ra thì vợ chồng em sợ cuồng lên. Sợ nhưng đến hôm nay vẫn phải gửi con ở đó, vì chả nhẽ nghỉ việc ôm con? Nghỉ luôn thì chết đói mà nghỉ một hai ngày cũng chả giải quyết được gì".

Hoa quê ở Thái Bình, chồng cô quê Thanh Hóa. Hai vợ chồng thuê một căn trong dãy phòng trọ lụp xụp.  Dĩ nhiên, họ không có tiêu chuẩn gửi con ở nhà trẻ công vốn đã không đủ chỗ cho những người có hộ khẩu hẳn hoi. Nhà trẻ tư thì giá quá cao so với thu nhập của hai vợ chồng vì tiền cơ sở vật chất và phải thêm cả phí trông ngoài giờ. Vả lại, các cô cũng chỉ trông thêm đến một giờ nhất định, trong khi vợ chồng Hoa lắm hôm đến 7-8 giờ tối mới về.


Vụ bảo mẫu Ngọc Nhờ khiến các phụ huynh rúng động.

Ông bà nội ngoại đều không thể ra trông con giúp, mà gửi con về quê thì nhớ không chịu được. Thế nên khi bà chủ trọ mách trong xóm có bà già nhận trông trẻ tại nhà, muốn đón lúc nào thì đón, bà ấy không chỉ cho ăn ngày ba bữa nếu cần mà còn tắm rửa cho bé luôn thì vợ chồng Hoa thở phào, dù nhiều khi cũng nghĩ đến những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
"Hai hôm nay, cứ thỉnh thoảng em lại gọi điện cho bà giữ trẻ để hỏi thăm về con. Bà ấy mắng em, bảo nếu không tin tưởng thì đón về đi, bà ấy không giữ nữa. Không gửi bà ấy thì em cũng phải kiếm một bà khác tương tự để gửi thôi chứ biết làm sao", Hoa nói.

Cũng suốt hai hôm nay, vợ chồng anh Thành, chị Thúy, cùng quê ở Thái Nguyên, đang sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, liên tục nhận được điện thoại của bố mẹ ở quê: "Chúng mày xem có gửi con Bon được vào trường nào thì gửi, không thì mang về đây cho chúng tao nuôi, đừng gửi nhà người ta thế chết có ngày". 

Đang chưa có giải pháp mà các cụ cứ giục giã căng thẳng quá, anh Thành có lúc gắt lại: "Bố tưởng trường lớp hẳn hoi thì an toàn à? Tháng trước có đứa đi nhà trẻ về gãy cả hai chân đấy". Nói vậy thôi, nhưng thực sự hai vợ chồng  sợ đến thắt ruột. 

"Trước khi quyết định gửi con, hai vợ chồng đã sang tham quan, thấy 3 đứa trẻ bác ấy đang chăm trông cũng tươi tỉnh sạch sẽ, những người xung quanh cũng bảo bà ấy trông trẻ nhiều năm rồi, không có chuyện gì, nên tôi nghĩ thôi cũng OK", anh Thành cho biết. 

Nhiều lúc, chị Thúy cứ bảo chồng, rằng mình gửi con bên đó chẳng có hợp đồng hay giấy tờ gì, nhỡ có bề nào thì biết bắt đền ai, chẳng hạn như họ để con mình bị bắt cóc mất rồi bảo đâu có giữ con mình hôm đó thì sao...? Anh Thành gạt đi, bảo cứ tưởng tượng như thế thì gửi con chỗ nào cũng không yên tâm hết. 

Thực tế thì họ cũng chẳng biết gửi con ở chỗ nào khác, bởi bé nhà họ mới 7 tháng tuổi, trong khi các nhà trẻ thường nhận trẻ ngoài 18 tháng hoặc ít nhất cũng phải đầy năm. "Có lẽ cũng phải mang con về quê gửi ông bà thật", anh Thành chép miệng. 

Nhưng chị Thúy thì nói, gửi con về quê thì bố mẹ cũng phải bỏ Hà Nội, về quê kiếm việc luôn, chứ không sống xa con được, sống ở Hà Nội thì sung sướng gì đâu khi nhà cửa không có, công việc nay này mai khác. Nói vậy, nhưng Thúy và cả chồng chị cũng thừa biết, về quê càng không thể xin được việc làm, nên con gái họ trước mắt vẫn phải gửi ở dịch vụ trông trẻ tại nhà, chờ đến lúc đủ tuổi đi mẫu giáo tư thục. 

Những cú thót tim khi gửi con ở nhóm trẻ

Dịch vụ trông trẻ theo hình thức nhóm trẻ gia đình lâu nay vẫn rất phổ biến ở các thành phố lớn hoặc xung quanh các khu công nghiệp. Nó là "chỗ dựa" cho những cặp vợ chồng không có người nhà trông con giúp, không đủ tiền để thuê osin, cũng không đủ điều kiện để gửi con ở trường lớp chính quy, lý do là đứa trẻ quá bé hoặc bố mẹ không thể đưa đón đúng giờ. 

Bảo mẫu "hổ dữ" Quảng Thị Kim Hoa.

Nhóm trẻ gia đình cũng là một hình thức được nhà nước thừa nhận trong giáo dục mầm non, góp phần giảm tải cho các trường lớp, với những quy định về cơ sở vật chất (diện tích,  chỗ chơi, hàng rào, cổng bảo vệ, chỗ chơi, đồ chơi, thiết bị...), nhân sự đã qua đào tạo chuyên môn,  và phải đăng ký hoạt động.
Nhưng trên thực tế, đa số những người nhận trông trẻ với quy mô nhỏ dăm bảy cháu thường không đăng ký, nên cũng chẳng phải chịu sự kiểm soát nào, và cũng chẳng phải theo chuẩn nào. Tóm lại là nhà có gì thì dùng cho các cháu cái đó, như là chăm con cháu trong nhà thôi.
Giả như có nhà chức trách hỏi đến, họ cũng sẽ biện minh là rảnh thì trông hộ con cho mấy người quen chứ có làm gì đâu mà phải đăng ký. Ngay với "khách hàng" cũng vậy, giao dịch, thỏa thuận bằng miệng xong là mang con đến gửi, chẳng có hợp đồng, cam kết gì.

Anh Phúc, nhân viên tiếp thị kiêm bán hàng cho một công ty nước giải khát ở Hà Nội, nói: "Biết tôi gửi con ở một bà trong xóm, nhiều người góp ý lắm, nào là mấy bà già ấy có chuyên môn gì đâu, con ở đó làm sao được dạy dỗ bằng các trò chơi mang tính giáo dục, phát triển trí thông minh như ở lớp. Tôi nghe  mà cười như mếu. Dạy dỗ cái gì chứ, kiếm được chỗ trông con cho mình đi làm là tốt lắm rồi, họ cho nó ăn, tắm cho nó, giữ cho nó an toàn là tốt lắm rồi".

Thế nhưng cái mục đích sơ đẳng nhất đó cũng rất là "năm ăn năm thua". Có nhiều chuyện xảy ra ở những "lớp mẫu giáo tại gia" khiến bố mẹ hú hồn. Chị Bình Minh, 29 tuổi, kể về chuyện xảy ra cách đây 2 năm khi chị gửi con nhỏ ở một bà trung niên trong khu dân cư. Hôm nào đón con về, chị cũng thấy người bé đầy nốt muỗi đốt, gãi sẩn cả da, góp ý mãi với bà chủ nhưng tình hình chẳng cải thiện.

Có đợt không thấy vết muỗi nào nữa, chị hỏi bà ta có ý khen thì bà bảo, phun thuốc muỗi rồi thì bị đốt làm sao được. Chị thất kinh, con chị chẳng nghỉ lấy một ngày, vì chủ nhật mẹ vẫn phải đi bán hàng, vậy bà phun thuốc muỗi vào hôm nào? 

"Biết chắc con mình không ít thì nhiều cũng đã hít phải thuốc diệt muỗi, nhưng tôi chẳng biết làm sao được, chỉ dặn bà ấy lần sau mà phun thì để tôi cho cháu nghỉ", chị Hoa kể. "Nhưng sợ nhất vẫn là vụ cả con tôi lẫn hai đứa nhỏ nhà khác gửi ở đó cùng bị ngộ độc nặng, đi cấp cứu thì bác sĩ bảo ngộ độc thức ăn do khuẩn tụ cầu vàng".

"Bình thường tôi thấy bếp núc và cách thao tác của bà ấy khá sạch sẽ, vậy cái khuẩn độc ấy ở đâu ra? Để ý mãi mới thấy ngón tay bà ấy có cái nhọt to mưng mủ. Tôi gọi điện hỏi bác sĩ, họ bảo chắc chắn là khuẩn tụ cầu vàng từ đó ra khi bà ấy băm thịt cho vào cháo cho bọn trẻ con. Bác sĩ nói thế còn may, vì tụ cầu vàng có thể gây sốc nhiễm độc dẫn đến tử vong. Sau hôm đấy, tôi phải tìm chỗ khác gửi". 

Còn con của chị Hường gửi ở nhóm trẻ gần nhà hôm thì ngã sưng cả đầu, hôm thì bị bạn cào rách cả mắt, góp ý thì bà trông trẻ bảo tại chúng nó nghịch nên mới thế, bà già rồi làm sao để ý hết được. Ấy thế mà khi chị tìm hiểu để gửi con, bà bảo bà thừa sức chăm vài chục đứa. Có hôm sang đón con, chị thấy bà mải nói chuyện với khách đến chơi, để lũ trẻ đứa cho dép tổ ong vào miệng gặm, đứa moi thùng rác, đứa bò ra tận toilet... 

Sợ quá, chị Hường âm thầm tìm chỗ khác để gửi con, nhưng chưa tìm được thì xảy ra chuyện. Hôm ấy chị đang ở công ty thì có điện thoại của bà trông trẻ. Con chị bị bỏng nước sôi, đang đi cấp cứu. Tá hỏa lao đến bệnh viện, chị đứt từng khúc ruột khi thấy con đau đớn khóc thét, may mà diện tích da bị bỏng không quá rộng. Hóa ra cũng lại cái tính ham chuyện mà đoảng vị của bà trông trẻ. 

Đang rót nước sôi vào phích thì có chị hàng xóm mang sang mấy bịch thuốc bổ mà bà nhờ mua hộ. Bà vội đặt cái ấm lên bàn bếp rồi tất tưởi chạy đi kiếm ví tiền để trả, nhưng lại không kịp cất cái phích đi. Thanh toán tiền nong xong, hai người phụ nữ còn ríu rít buôn chuyện, mấy đứa trẻ thì đứa ngủ, đứa tự chơi. Con chị Hưởng mò vào bếp lúc nào bà không để ý, nó làm đổ cái phích chỉ mới đóng hờ, nước sôi tưới vào người...

Gia đình anh Thư cũng gặp chuyện kinh hồn chẳng kém. Con trai anh bỗng nhiên bị dị ứng nặng, nói đúng hơn là ngộ độc thuốc. Bé bị viêm đường hô hấp, đã đi khám bác sĩ và được kê đơn. Vợ chồng anh đưa bịch thuốc cho bà trông trẻ nhờ cho uống theo mấy cữ trong ngày. Bà vứt nó vào hộp thuốc của gia đình, buổi trưa lúc nhớ ra thì lại đang dở tay cọ toilet, đành nói vọng ra nhờ con dâu cho bé uống hộ. Chẳng hiểu bà hướng dẫn ấm ớ thế nào mà con dâu lại lấy nhầm thuốc chữa bệnh của chồng bà cho bé uống, rồi mấy tiếng đồng hồ sau phải đi cấp cứu.

Còn vô số chuyện đáng sợ khi gửi con ở những điểm không được cấp phép, cơ sở vật chất thiếu an toàn, người trông trẻ không có chuyên môn... Nhưng trong tình trạng giờ trông giữ trẻ ở trường lớp quá chênh với giờ làm việc của bố mẹ, tình trạng quản lý các nhóm trẻ gia đình lại lỏng lẻo như hiện nay, chuyện những tai nạn lớn nhỏ xảy ra với các thiên thần nhỏ khó mà chấm dứt.

Khả Khanh (Xzone/Tri Thức Thời Đại)



Bình luậnViết cảm nhận

Chủ liên quan

0 nhận xét

Mới nhất
TIN ẢNH