"Dị nhân” không chân leo dừa, lội sông khiến dân làng thán phục

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Ở tuổi 19, anh xuất ngũ với hai chân bị đứt lìa. Và giờ đây, với tình trạng đó, anh vẫn có thể hàng ngày bơi xuồng giăng lưới, lặn mò tôm cá, leo dừa thuê để lo toan cho gia đình...

Mặc dù bị cụt cả hai chân nhưng anh Tùng vẫn chèo cây hái dừa.
Tập đi vào năm... 20 tuổi
Đó là anh Trần Thanh Tùng, 46 tuổi, ngụ tại ấp Thới Bình, phường Phước Thới (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ). Dù là thương binh hạng 1/4 với hai chân bị cụt nhưng anh vẫn vươn lên trong cuộc sống. Với nỗ lực suốt bao nhiêu năm, thành quả của anh là một mái ấm gia đình với hai đứa con và gần đây, niềm vui của anh lại nhân lên khi gia đình có thêm thành viên là đứa cháu nội hai tháng tuổi.
Chúng tôi đến thăm anh Tùng khi anh vừa đi giăng lưới về, quần áo còn ướt sũng. Nhìn đôi chân của anh bị cụt lên gần tới bẹn, người mới gặp lần đầu khó có thể tin rằng, anh đi lại một cách dễ dàng, chứ đừng nói chi đến chuyện làm những việc như bơi lặn, chèo xuồng giăng lưới hay leo dừa.
Anh Tùng đi lính năm 17 tuổi, vào một ngày cuối năm 1964, anh lên đường đi tập huấn để chuẩn bị chuyến hành quân sang nước bạn Campuchia. Công việc của anh tuy không chạm trán quân thù nhưng cũng hết sức nguy hiểm, hằng ngày anh Tùng cùng đồng đội dò gỡ bom mìn. Dẫu biết tính mạng của một người lính thời chiến là sẵn sàng đối diện với cái chết nhưng anh vẫn tình nguyện đi lính khi tuổi còn rất trẻ.
Những tháng ngày trong quân ngũ trôi qua bình yên được gần hai năm thì anh gặp tai nạn. Trong một lần dò gỡ bom mìn, anh không may giẫm phải mìn và nó phát nổ khiến anh mất đi hai chân ngay tại chỗ. Tương lai phía trước của người trai trẻ tưởng như đã khép lại. Sau gần một năm điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau, anh Tùng trở về quê hương sống bên cạnh gia đình. Thời gian đầu của anh thật khó khăn để hòa nhập vào cuộc sống, mặc cảm hoàn cảnh của mình khiến anh càng xa rời mọi người, đi đâu anh cũng ngại ngùng trước những ánh mắt ái ngại của người khác dành cho mình. Nhưng bản tính của anh vốn rắn rỏi, anh quyết tâm làm lại cuộc đời mình.
Mỗi lần anh muốn đi lại đều phải có người cõng, anh thấy thật phiền phức và quyết tập đi bằng đôi tay cho bằng được. Anh mày mò tìm gỗ đóng hai cái ghế con, cao chừng 20cm rồi chống tay lên đó để đi lại. Thời gian đầu, anh không đi được xa lắm, vì đôi tay chưa được tập luyện nhiều nên rất mỏi, đường sá ngày xưa lại khó khăn nên anh lại phải vượt qua nhiều thử thách nữa mới có thể đi được một cách bình thường.
Đến nay, khi đã được 46 tuổi, mặc dù di chuyển bằng tay có thể chậm nhưng sức của anh vẫn còn rất dẻo dai, anh có thể di chuyển được vài ba cây số là chuyện bình thường. Từ việc tự mình đi được, anh Tùng đã tự tin hơn nữa vào bản thân mình, rằng anh có thể làm được nhiều việc khác nữa mà người bình thường làm được.
Lặn sông bắt cá, trèo dừa hái trái...
Hạnh phúc thực sự đến với anh là khi anh tìm được tình yêu của đời mình. Trong một lần ra chợ Ô Môn chơi, anh gặp chị Nguyễn Thị Đức, một cô thôn nữ bán rau ngoài chợ. Sau vài ba câu chào hỏi làm quen, anh đem lòng yêu mến chị. Mặc dù vẫn mặc cảm về hoàn cảnh của mình nhưng anh tâm sự: “Mình vẫn có ước mơ khao khát được xây dựng gia đình, được sống đàng hoàng ở xã hội”.
Chị Đức cũng hết sức cảm thông hoàn cảnh của người lính trẻ, lại thấy anh là người ăn nói có duyên, có ý chí tiến thủ nên cũng đem lòng yêu mến. Sau vài tháng đi lại với nhau, bỏ qua hết những điều tai tiếng dị nghị, anh và chị chính thức thành đôi. Anh kể lại cho chúng tôi nghe mà nụ cười vui mừng, hạnh phúc vẫn nguyên ở trên môi: “May mắn là gia đình bên vợ không chê bai gì tui, gọi là đám cưới, chứ có gì đâu, chỉ có hai gia đình tuyên bố với nhau rồi có sự tham gia của bà con láng giềng, xong ai về nhà nấy còn tụi tui thì thành vợ chồng”.
Có vợ rồi, anh lại càng cố gắng quyết tâm làm trụ cột nuôi sống gia đình của mình, chị Đức luôn bên cạnh anh động viên và dõi theo những bước anh đi. Mọi việc tắm rửa, vệ sinh, anh đều nhờ tới người vợ của mình hỗ trợ, mỗi lần anh tắm vợ anh ngồi cạnh bên múc từng gáo nước tắm cho anh. Nhận thấy gánh nặng của vợ sẽ ngày càng lớn hơn nếu không tự mình làm được những công việc hằng ngày và quan trọng hơn là anh phải có công việc để kiếm sống, anh đã quyết tâm tập bơi để chèo xuồng, lội sông giăng lưới mưu sinh.
Đành rằng, anh biết bơi từ nhỏ nhưng với hiện trạng cơ thể của mình, để bơi được là một điều không hề dễ dàng. Mỗi lần anh nhảy xuống nước là phần đầu của mình lại chúi xuống nước trước, không còn chân để giữ thăng bằng, mọi chuyện phải trông chờ vào đôi tay của anh. Vừa học cách giữ thăng bằng trên nước, vừa học cách làm sao để lặn xuống và ngoi lên một cách dễ dàng.
Sau mỗi ngày lặn lội tập bơi ở sông, anh lại trở về bên cạnh vợ, chị Đức luôn có một niềm tin mãnh liệt ở chồng, chị tin anh làm được. Anh đã không phụ lòng vợ, sau gần một tháng lặn ngụp miệt mài trên sông tập luyện, anh đã làm được. Những ngày đầu đi giăng lưới, vợ anh luôn đi cùng anh vì sợ anh gặp nguy hiểm, trở tay không kịp, đến vài tháng sau khi anh đã quen với việc trên sông nước, chị Đức mới yên tâm để anh đi một mình. Vậy là từ đó, hằng ngày, anh dậy sớm hơn để đi giăng lưới, lúc thì soi ếch, lúc lặn mò tôm cá.
Trong một lần bơi lặn dưới sông, anh gặp một tai nạn suýt chết. Anh kể, thời đó tôm còn nhiều lắm, có một lần anh mãi lặn theo một con tôm, nó chui vào một cái hốc, anh mãi đuổi theo nó nên cũng thọc tay vào luôn, đến khi lút hết cả cánh tay, tôm thì bắt không được mà cánh tay thì mắc kẹt ở trong luôn, rút mãi không ra, hơi thì đã hết, càng cuống quýt thì tay càng mắc chặt hơn, anh nghĩ nước này là chết rồi, lúc đuối sức tay buông lỏng ra, cơ bắp không căng nữa, tay mới rút ra được, vậy là anh thoát chết. Nhiều lúc mưa gió anh bơi xuồng trên sông bị lật, phải vất vả lắm anh mới lật được xuồng lên. Nhưng cho dù có vất vả đến đâu, có khắc nghiệt đến mấy, anh vẫn hằng ngày bơi xuồng đi giăng lưới bất kể mưa nắng. Công việc bắt cá, tôm trên sông đến giờ anh vẫn làm…
Hoàn cảnh gia đình mỗi lúc càng trở nên khó khăn hơn. Nhận thấy ở vùng mình có nhiều dừa, có thể kiếm thêm từ việc leo dừa hái thuê, thấy người ta làm được, anh cũng quyết tâm học làm cho được. Anh đem chuyện tập leo dừa nói với vợ, chị Đức sợ anh gặp nguy hiểm nên lúc đầu cũng can ngăn, nhưng trước sự quyết tâm của anh, chị đành phải khuất phục, chị hỗ trợ cho anh tập leo dừa.
Sau nhiều tháng tập, anh đã có thể leo dừa được như những người khác. Nhìn anh leo lên đến ngọn dừa, chị Đức vui mừng rớt nước mắt. Chị vui không phải vì anh sắp có một nghề mới, mà đó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì chồng của mình đã chiến thắng được số phận, vượt lên chính mình, làm được những việc dường như không thể.
Anh Tùng cho biết, lúc đó nhà ai cũng nghèo, những gia đình không có người hái dừa mới kêu tới mình, anh hái xong người ta cho gì thì cho, chứ tiền bạc có là bao, vậy nhưng chừng đó cũng đỡ đần cho anh, nhất là khi chị Đức mang thai đứa con trai đầu lòng.
Ngoài đi leo dừa thuê, anh còn làm nhiều việc khác nữa, đi đào ao, vét mương, làm mộc…, ai thuê gì anh làm nấy, không hề từ nan. Người bình thường làm sao, anh cũng có thể làm vậy, có thể hiệu quả công việc không bằng người khác nhưng bù lại anh rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Mỗi lần đi đào ao, anh ngồi trên hai cái ghế dùng để đi lại và cũng tay cuốc tay xẻng xúc đất. Chỉ có một nghị lực phi thường mới giúp anh làm chủ được cuộc sống này. Từ một người đàn ông tật nguyền, tàn phế nhưng anh không đầu hàng trước số phận mà bằng nghị lực, anh đã vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.  
Năm 1985, anh Trần Thanh Tùng tình nguyện lên đường nhập ngũ, khi ấy anh vừa tròn 18 tuổi. Sau 5 tháng huấn luyện ở Đồng Dù (Củ Chi, TP.HCM), anh lên đường cùng đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Trở thành lính công binh, đơn vị đóng quân ở tỉnh Pôsát, nhiệm vụ của anh Tùng cùng đồng đội là lội suối băng rừng, trèo đèo vượt núi để rà phá, tháo gỡ bom mìn, trả lại sự bình yên và mở đường cho bộ đội tiến công tiêu diệt Pol Pot.
Nguyên Đăng(doisongphapluat.com)




Bình luậnViết cảm nhận

Chủ liên quan

0 nhận xét