Mất oan một chân khi điều trị ở phòng khám tư

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013
Dù các bác sỹ chẩn đoán Thức chỉ bị ‘rạn vỡ kín mâm chày trái’, thế nhưng sau ít ngày điều trị, bệnh nhân đã bị hoại tử nghiêm trọng và buộc phải cưa đi 1/3 chân trái.

Bức xúc!

Chúng tôi nhận được thông tin phản ánh từ gia đình ông Nguyễn Mai Thịnh (SN 1965, trú xóm 7, Thịnh Sơn, Đô Lương, Nghệ An), tố cáo Giám đốc và đội ngũ y bác sỹ Phòng khám đa khoa Việt An (PKĐK Việt An, đóng ở xã Hòa Sơn) tắc trách trong thăm khám điều trị gây hậu quả nghiêm trọng.

Em Nguyễn Thế Thức đã phải lắp chân giả để đi lại. Hơn 1 tháng qua em đã phải nhờ
bố chở đi học.

Nội dung sự việc cụ thể như sau: Lúc 17h ngày 31/8/2013, con trai ông Thịnh là Nguyễn Thế Thức (SN 1996, học sinh lớp 12, Trường THPT Đô Lương 1) bị tai nạn trên đường đi học về. Gia đình đưa Thức vào PKĐK Việt An thăm khám.

Sau khi thực hiện các kỹ thuật khám, chụp X-quang, siêu âm, các bác sỹ chẩn đoán nạn nhân bị ‘rạn vỡ kín mâm chày trái’, chỉ định BS Nguyễn Bá Đại hút dịch ở đầu gối và thực hiện bó bột.

Sau đó, Thức được kê đơn thuốc và cho về nhà điều trị, dặn phải sau 4 tuần mới tháo bột

Đơn tố cáo của gia đình gửi Sở Y tế Nghệ An và các đơn vị chức năng.

Tuy nhiên khi về nhà, chân của Thức bị sưng to và đau nhức. Đến 22h ngày 31/8, gia đình lo lắng đã gọi cho bác sỹ phòng khám và được hướng dẫn dùng kéo cắt chừng 5cm nới lỏng vòng bó bột để bớt đau.

“Thấy con trai kêu đau chân không dứt, chỗ sưng ngày một to, đến chiều hôm sau (ngày 1/9 – PV), gia đình đưa cháu đến phòng khám nhờ bác sỹ xem xét và hướng dẫn điều trị.

Tuy nhiên chúng tôi đợi mãi không gặp được ai, đành phải đưa con về nhà. Thấy con đau quá, tôi đã tháo bột ra. 4 ngày sau, con tôi không những không đỡ mà chân còn bị bầm tím, bàn chân lạnh và mất cảm giác.

Hoảng quá, chúng tôi vội chuyển con xuống BVĐK Nghệ An. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán bị chèn ép khoang do bó bột dẫn đến tắc mạch máu, làm hoại tử chân trái” – ông Thịnh bức xúc kể lại sự việc.

Ông Thịnh cho biết, trong quá trình điều trị, dù rất lo lắng trước tình trạng sức khỏe của con trai, nhưng gia đình đã không nhận được sự giúp đỡ từ bác sỹ phòng khám.

“Biết chân con đã bị hoại tử, chúng tôi phải vận chuyển gấp ra BV Quân y 108 (Hà Nội). Các bác sỹ tiến hành cắt phần chân dưới của con tôi để tránh nhiễm trùng máu” – ông Thịnh cho biết.

Bác sỹ hoạt động chui

Theo tìm hiểu của PV, PKĐK Việt An được Sở Y tế Nghệ An cấp phép ngày 9/11/2007. Phòng khám có 9 bác sỹ, 2 điều dưỡng, 1 y tá và 2 kỹ thuật viên.

Trong Giấy phép hành nghề ghi rõ các lĩnh vực được phép hoạt động gồm: Nội nhi thông thường, Ngoại sàng thông thường, Răng mặt thông thường, Mắt thông thường, Chẩn đoán hình ảnh bằng X – Quang và Xét nghiệm sinh huyết học.

Mặc dù thế, phòng khám này trưng biển quảng cáo ghi thêm các loại hình khám chữa bệnh khác như: Nội soi, Phụ khoa, Chấn thương…

Đặc biệt, theo thông tin từ Phòng Quản lý ngành nghề Y dược, Sở Y tế Nghệ An, giấy phép hoạt động của PKĐK Việt An đã hết hạn hơn 1 năm (từ tháng 11/2012). Thế nhưng mọi hoạt động khám chữa bệnh vẫn được tổ chức bình thường trong suốt thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Sỹ Lương, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược, Sở Y tế Nghệ An cho biết: “PKĐK Việt An đang trong thời gian chờ được cấp phép trở lại theo Luật khám chữa bệnh mới đối với cơ sở tư nhân (hạn cuối là 31/12/2013 – PV).

Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã cấp phép cho 23 phòng khám đa khoa. Nhiệm vụ theo dõi hoạt động các phòng khám này do các Phòng Y tế huyện quản lý”.

Điều đáng nói, bác sỹ Nguyễn Bá Đại, người trực tiếp bó bột cho em Nguyễn Thế Thức, gây ra tình trạng tắc mạch máu và hoại tử, lại không có trong danh sách các y bác sỹ được phép hành nghề tại PKĐK Việt An. Thông tin này khiến gia đình nạn nhân và dư luận địa phương rất bức xúc.

Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Huy, Giám đốc PKĐK Việt An cho biết, BS Đại vốn là Bác sỹ chuyên khoa I của Bệnh viện 103; là bộ đội về hưu, phụ trách siêu âm của phòng khám!

Ông Huy thừa nhận chính bác sỹ Đại là người vừa phụ trách siêu âm, vừa điều trị bó bột cho em Thức. Tuy nhiên, vị giám đốc này lại cho rằng để xảy ra vụ việc là do lỗi từ phía gia đình bệnh nhân.

“Việc tắc mạch, tắc khoang có thể xảy ra khoảng sau 2 - 6 giờ đồng hồ. Trường hợp này không phải tắc do chèn ép mà tắc do chấn thương đụng dập.

Về chuyên môn, chúng tôi không có gì sai. Do gia đình chủ quan không theo dõi dẫn đến gặp rủi ro.

Gia đình bệnh nhân Thức là người trong làng, trong xã quen biết nhau cả, nên bác sỹ Đại đã xử lý luôn, bó bột luôn” – ông Võ Văn Huy khẳng định.

‘Đền bù’ 100 triệu đồng để ‘phủi’ trách nhiệm?

Ông Nguyễn Mai Thịnh cho biết, ngay sau khi con trai ông được cắt bỏ phần chân bị hoại tử để cứu lấy tính mạng, ông đã nhận được 50 triệu đồng do một nhân viên của phòng khám chuyển vào tài khoản.

Ông Nguyễn Bá Đại, người trược tiếp thăm khám và bó bột cho em Thức không có
tên trong danh sách các bác sỹ được phép hành nghề tại PKĐK Việt An.

“Hôm đó tôi gọi điện về cho giám đốc Võ Văn Huy thông báo việc con tôi đã cưa chân. Một lúc sau tài khoản tôi đã được cộng thêm 50 triệu do 1 nhân viên của phòng khám chuyển vào” – ông Thịnh kể.

Ít ngày sau, một nhân viên khác của phòng khám đã mang thêm 50 triệu đồng nữa đến đưa cho ông Thịnh.

“Anh ta gọi tôi ra cổng đưa 50 triệu tiền mặt rồi bảo ký vào một tờ giấy nhỏ.

Từ đó đến nay, gia đình tôi nhiều lần yêu cầu phía phòng khám hỗ trợ vì chi phí chữa trị, đặc biệt là tiền làm chân giả cho con là rất lớn; thế nhưng họ chẳng đoái hoài.

Hơn 1 tháng qua tôi phải ngày 2 buổi chở con đến trường. Con trai tôi vốn khỏe mạnh bây giờ tự nhiên thành người tàn phế. Gia đình mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý trách nhiệm của PKĐK Việt An” – ông Nguyễn Mai Thịnh cho biết.

Theo Vietnamnet



Bình luậnViết cảm nhận

Chủ liên quan

0 nhận xét

Mới nhất
TIN ẢNH