Cảm phục trước tấm lòng son sắt của người phụ nữ ở tuổi xưa nay hiếm suốt 60 năm vẫn đi tìm mộ chồng

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013
Thuở đôi mươi, cô gái trẻ ấy nên duyên vợ chồng với chàng trai hiền lành ở làng bên. Mới chung sống với nhau vỏn vẹn 8 tháng, chị đành ngậm ngùi tiễn chồng lên đường đi chiến đấu.
Sự nhớ nhung được người phụ nữ trẻ chôn sâu vào tận đáy lòng những mong người chồng yên tâm chiến đấu, sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, ông đã vĩnh viễn nằm dưới lòng đất Điện Biên Phủ bỏ lại bà một mình với nỗi đau khôn xiết khi hai người còn chưa kịp có với nhau "quả ngọt" tình yêu. Hơn 60 năm trôi qua, cô gái trẻ ấy giờ đã trở thành cụ cao niên, nhưng cụ vẫn một lòng thủy chung son sắt. Và điều đặc biệt hơn nữa là cũng chừng ấy năm, cụ sống chắt chiu từng đồng lương, tích góp những đồng buôn bán vặt ít ỏi để đi tìm hài cốt của chồng. Người phụ nữ tuyệt với ấy là cụ Phạm Thị Hường (SN 1930), ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An).
Hơn 60 năm nay cụ vẫn lặng lẽ ở vậy, chung thủy với người chồng đã khuất. Ảnh T.G
"Người vợ 8 tháng"

Cô thôn nữ Phạm Thị Hường và chàng trai Trần Văn Giảng dù không sinh ra cùng làng, nhưng chính những buổi chăn bò, cắt cỏ cùng nhau đã se duyên cho đôi thanh mai, trúc mã. Thuở ấy, chàng thanh niên trẻ đã thương thầm, nhớ trộm cô bé Hường dịu dàng, xinh xắn, ít hơn mình 3 tuổi. Những lần chạm mặt nhau lúc đi làm đồng, những buổi giao lưu văn nghệ trong thôn khiến tình cảm của họ cứ lớn dần lên theo thời gian. Đến tháng 1/1953, chị Hường và anh Giảng được 2 bên nội ngoại vun vén thêm rồi tổ chức một đám cưới giản dị, đơn sơ nhưng ngập tràn hạnh phúc. Về làm dâu, gia đình bên nội cũng chẳng khá giả gì nhưng chị Hường vẫn luôn cố gắng làm việc, chu toàn bổn phận người dâu hiền, con thảo. Cuộc sống dù thiếu thốn về vật chất, nhưng tình cảm thì không lúc nào vơi.

Nhưng, niềm hạnh phúc giản đơn đó lại quá ngắn ngủi khi vào tháng 9/1953, chàng thanh niên Trần Văn Giảng đã theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chấp nhận xa bố mẹ, xa người vợ trẻ để tình nguyện nhập ngũ. Lần đó, Giảng tham gia bộ đội chủ lực chống Pháp ở Điện Biên Phủ, mong góp một phần sức mình cho công cuộc giải phóng nước nhà. Nhớ lại những ngày tháng đó, cụ Hường nói: "Là vợ chồng ai cũng muốn giữ người mình thương yêu ở lại bên mình, nhưng vì đất nước nên tôi không nỡ. Ngày tiễn anh, tôi không có gì ngoài những lời dặn dò, tâm sự để anh ấy vững tâm lên đường chiến đấu".

Dù không hẹn ngày tái ngộ nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn tin rằng, anh sẽ nhanh chiến thắng trở về. Bẵng đi một thời gian ngắn, bà nhận được lá thư đầu tiên của chồng mình, bức thư cho hay anh đã vào bộ đội chủ lực. "Lá thư nhắn nhủ tôi phải cố gắng chăm sóc bố mẹ thay anh ấy và hứa sau này gia đình mình đoàn viên anh sẽ bù đắp cho tôi nhiều hơn nữa", cụ rưng rưng nhớ lại. Những dòng thư ngắn ngủi nhưng đã tiếp thêm động lực cho người phụ nữ ấy trở thành hậu phương vững chắc để chồng phương xa yên tâm chiến đấu với một niềm tin rằng rồi đây gia đình lại đoàn tụ, vợ chồng sớm tối có nhau, chị sẽ sinh cho anh những đứa con mà như anh vẫn từng bảo: "Anh muốn em sinh cho anh 4 đứa con, anh sẽ đặt chúng là Trung, Phú, Hạnh, Phúc".

Thế nhưng, không như những gì người phụ nữ xa chồng ấy mong ước, lá thư đầu tiên anh Giảng viết gửi về cũng là lá thư cuối cùng mà chị Hường được nhận. Tại quê nhà, chị vẫn luôn chờ đợi một phép màu xuất hiện. Hàng tháng chị vẫn viết thư nhờ người gửi thư theo địa chỉ cũ nhưng đợi mãi, đợi mãi mà chẳng thấy hồi âm. "Lúc đó, tôi có nghe nhiều người nói anh ấy đã hy sinh, nhưng trong thâm tâm vẫn luôn tin rằng anh sẽ sớm về đoàn tụ cùng gia đình", cụ nói.

Thế nhưng, tia hy vọng cuối cùng đó cũng sớm bị dập tắt khi vào cuối tháng 5/1954, chị Hường nhận được giấy báo tử từ Mặt trận Điện Biên Phủ gửi về, anh Trần Văn Giảng đã hi sinh. Mọi người đau đớn vì sự mất mát quá lớn, còn chị Hường như lặng người đi khi cầm trên tay giấy báo tử của chồng. Nỗi đau ấy như xé nát tâm can người vợ trẻ nơi quê nhà mòn mỏi ngóng chồng hàng năm trời. Cả một thời gian dài sau đó, chị ốm liệt giường và gầy rộc đi trông thấy sau bao đêm thức trắng vì nỗi đau quá lớn của cuộc đời.
Trọn đời mong ngóng đi tìm mộ chồng

Còn nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mất đi người thân, hơn hết đó là người chồng đầu gối tay ấp của mình. Chính chiến tranh đã cướp đi động lực sống lớn nhất của cụ. Sự mất mát của cụ Hường càng đau đớn hơn khi hai người chưa hề có đứa con. Thế nhưng, đối với người phụ nữ này chưa bao giờ cụ mất đi niềm tin, cho dù nhỏ nhất. "Đau lắm cháu ạ. Vợ chồng ở với nhau mới chưa tròn một năm kể từ khi cưới cho đến ngày ông ấy ra trận. Chưa có với nhau một đứa con cho vui cửa, ấm nhà, ông ấy đã vĩnh viễn ra đi. Cả lời hứa năm nào đợi chờ, thủy chung mong ngày chồng về đoàn tụ. Nào ngờ, chiến tranh khiến vợ chồng tôi mãi mãi phải lìa xa nhau", những câu nói của cụ như bị vật gì chặn lại cứ nghèn nghẹn trong cổ.

Đáng buồn hơn nữa là một thời gian sau khi ông Giảng hi sinh thì bố ông cũng qua đời, rồi lại thư báo từ chiến trường gửi về hai người em ruột của ông cũng đã hy sinh. Vậy là trong 4 anh chị em của ông Giảng thì cả ba anh em đều là liệt sỹ. Cô em gái út lại lấy chồng xa, chỉ còn hai mẹ con côi cút. Cất nỗi đau riêng tận đáy lòng, cụ tự nhủ phải vững tâm để sống và làm việc, chăm sóc mẹ chồng ốm yếu. Bởi đối với cụ lúc đó, mẹ chồng chính là nguồn an ủi, điểm tựa để cụ tiếp tục sống, làm trọn chữ hiếu. Có như vậy, ông Giảng mới yên tâm nhắm mắt nơi chín suối cùng những đồng đội của mình.

Từ ngày biết tin chồng mình không còn nữa, cụ Hường vẫn ở vậy hàng ngày ôm hình bóng chồng như một điểm tựa để sống cho đến ngày hôm nay, chẳng màng đến hạnh phúc riêng của bản thân. Bao nhiêu năm qua, cụ tự sưởi ấm cuộc đời mình bằng những ký ức về ông và nỗi khắc khoải, sự dằn vặt vì chưa tìm thấy mộ của chồng. Với mong muốn được tận mắt nhìn chồng lần cuối cho dù chỉ là nắm hài cốt, cụ luôn đau đáu việc tìm kiếm mộ chồng. Vậy nên, trong khoảng những năm từ 1958 đến 1960 cụ đã nhiều lần cùng gia đình chồng ngược ra Bắc để đi tìm hài cốt chồng. Trong những lần đó, cụ đều tìm gặp đồng đội của chồng mình lúc xưa để hỏi thăm, nhưng những thông tin ít ỏi đó không đủ để cụ thực hiện được tâm nguyện nhỏ bé của mình.

Những năm sau, cụ vẫn âm thầm tìm kiếm thông tin mộ chồng qua những kênh thông tin có thể. Hằng năm, cụ tích góp những đồng bạc lẻ từ việc bán dăm quả trứng gà để hằng năm bắt xe lên chiến trường mà chồng mình đã nằm lại để thắp nén hương cho chồng cũng là để tìm tung tích phần mộ chồng. Thấy cụ vẫn khó nhọc một mình lặn lội đi tìm mộ chồng như vậy, nhiều người thân khuyên can: "Anh ấy ở dưới kia còn có đồng đội bạn bè, chị hãy giữ gìn sức khỏe như vậy là anh ấy mãn nguyên rồi". Nhưng cụ vẫn không nản lòng, tiếp tục hy vọng sẽ làm được điều mình mong mỏi.

Vậy là suốt 60 năm ròng, chưa bao giờ cụ thôi hy vọng về việc tìm được mộ chồng. Cứ thế, hằng năm, cứ đến ngày thương binh liệt sỹ cụ đều thắp hương dâng lên bàn thờ liệt sỹ Giảng và làm giỗ chu đáo. Điều mà cụ cảm thấy tủi thân nhất đó là từ ngày lấy nhau, hai vợ chồng không có lấy một tấm hình chụp chung nên khi chồng mất cụ cũng không có đến một tấm hình để thờ chồng. 83 tuổi, 8 tháng được sống cùng chồng và suốt 60 năm chung thủy, son sắt ở vậy thờ chồng. Cụ Hường đã xây dựng nên tượng đài tình yêu bất tử, đã viết tiếp trang sử vàng của người phụ nữ Việt Nam kiên trung bất khuất.        
Tuổi đã cao, sự minh mẫn của cụ cũng không còn như xưa nữa, cụ cũng không còn sức để đi tìm mộ chồng như ngày trước. Căn nhà lúc xưa càng trống trải hơn khi người mẹ chồng cũng đã vĩnh viễn ra đi. Hiện, cụ đang sống cùng đứa cháu tốt bụng Phạm Thị Lệ (53 tuổi). Thương cảnh cụ sống côi cút một mình, chị đã tình nguyện đến ở để chăm nom cụ những lúc đau ốm do tuổi già.
Kim Long(nguoinoitieng.vn)



Bình luậnViết cảm nhận

Chủ liên quan

0 nhận xét

Mới nhất
TIN ẢNH