Chúng tôi nhất trí “mời” sư Phượng ra khỏi chùa
Xung quanh vụ việc sư Thích Minh Phượng, trụ trì chùa Chân Long (thôn 4, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) có lối sống xa hoa, làm mất lòng người dân, và còn tự ý tráo đổi tượng cổ hàng trăm năm tuổi bằng một tượng mới, người dân nơi đây ngày càng bất bình với vị sư này.
Ngày 24/11, trao đổi với báo Đất Việt, rất nhiều người dân xã Chàng Sơn cho biết đã đồng lòng lập một lá đơn, gửi đển các cấp chính quyền xã và huyện. Nội dung của lá đơn bao gồm việc đề nghị chính quyền có biệt pháp bảo vệ di tích lịch sử cấp quốc gia là ngôi cổ tự Chân Long. Đồng thời trục xuất sư trụ trì là Thích Minh Phượng khỏi địa phương.
Anh Phí Chín (thôn 5, xã Chàng Sơn) cho biết: “Tôi là một trong những người đầu tiên ký vào lá đơn này. Hiện tại, nhân dân 7 xã Chàng Sơn đều đồng lòng với nội dung trong đơn.
Trong lá đơn này đã có tên của trưởng thôn, phó thôn, bí thư chi bộ, hội cựu chiến binh tại các thôn. Đồng thời, đơn cũng đã được gửi đến Mặt trận Tổ quốc xã, Đảng ủy xã và nhận được sự hưởng ứng. Cả xã chúng tôi nhất trí mời sư Phượng ra khỏi chùa”.
Người dân xã Chàng Sơn căng khẩu hiệu yêu cầu nhà sư trụ trì trả lại tượng cổ đã biến mất khỏi chùa để thay vào đó là tượng "chân dung" của sư. (Ảnh người dân cung cấp) |
Ông Điệp (gần 70 tuổi, thôn 4, xã Chàng Sơn) chia sẻ: “Từ ngày sư Phượng về chùa, thành lập đạo tràng riêng đã khiến dân làng chúng tôi mâu thuẫn với nhau. Tuy cả làng, cả xã thống nhất không muốn có sự hiện diện của nhà sư này tại địa phương, nhưng vẫn còn một bộ phận những người dân trong đạo tràng hết lòng bảo vệ sư Phượng”.
“Từ hôm 5/11, sư Phượng rời khỏi chùa, đến ngày 15/11 có quay trở về chùa đòi mang ô tô đi nhưng nhân dân không đồng ý, ông này lại bỏ đi. Nhưng nhiều người dân trong xã chúng tôi vẫn thấy ông này thi thoảng đi về địa phương, thường qua lại với những người trong đạo tràng. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền giải quyết nhanh chóng vụ việc, để người dân yên ổn làm ăn, không phải bỏ sức bỏ công ra trông chùa, canh sư nữa”.
Được biết, hiện cửa chùa thường xuyên khóa kín, chỉ mở vào ngày rằm, mùng một. Còn bình thường, muốn vào thăm chùa, phải báo cáo chính quyền xã, nếu hợp lý thì xã mới cho người giữ chìa khóa mở cửa để vào.
Băng rôn, biểu ngữ kêu cứu, đuổi sư treo kín cổng chùa Chân Long. Ảnh: Minh Tú |
Sư trụ trì 'hét giá' với mỗi người chết
Một điều khiến người dân vô cùng bức xúc với vị trụ trì này là sư Phượng đã tự ý ra giá cho mỗi trường hợp nhân dân gửi ảnh, bát hương người chết vào chùa.
Trước kia khi làm lễ rước vong hay bất cứ lễ nào, người dân chỉ lên chùa biếu ban chấp tác in oản, đồ xôi, viết sớ lộc lá bao nhiêu tiền là tùy tâm. Nhưng từ khi sư Phượng về trụ trì, người dân muốn vào chùa làm lễ phải đưa tiền trước cho vị sư này, trung bình một lần rước vong vào chùa, nhà sư này lấy giá 5 triệu.
Bà Dịu (thôn 7, xã Chàng Sơn) bức xúc cho biết: “Mỗi một người chết nếu muốn đưa vào chùa đều phải trả phí cho nhà sư này khoảng 5, 6 triệu. Nếu không có tiền ấy, sư tỏ ra rất khó chịu và không ít lần nói những lời thiếu văn hóa. Nói thật, tôi mà chết, nếu sư Phượng này còn ở chùa thì tôi cũng mong các con tôi đừng có gửi tôi vào để rồi mang tiền nhà mình đi cúng ông ấy tiêu”.
Sư Phượng cũng khéo nhìn mặt mà bắt hình dong khi có gia đình sư lấy trên 5 triệu, lại còn vẽ vời đủ thứ để kiếm thêm.
Người dân xã Chàng Sơn tập trung tại chùa tối 12/11 vì nghe tin "hình như" sư trụ trì về chùa. Ảnh: Minh Tú |
Anh Phí Hoài Nam (thôn 3, Chàng Sơn) cho biết: "Cách đây mấy năm con trai tôi mất do chết đuối, khi đó tôi lên chùa làm lễ rước vong cho con, sư Phượng lấy 5 triệu rưỡi, cúng 7 tuần, mỗi tuần nhà sư hét giá 3 triệu. Biết là bị o ép nhưng phải đành "cắn răng bấm bụng" vì đã theo nhà chùa từ nhiều năm nay. Đến tiền lẻ người dân vứt xuống đường khi tiễn cháu, sư Phượng cũng ôm cả về".
Chàng Sơn là một miền quê còn nhiều hộ nghèo, nhiều gia đình có người mất, sợ không đủ tiền nộp sư nên không dám vào chùa Chân Long, phải tìm đến những ngôi đền, miếu ở xã xung quanh để làm lễ cho người nhà.
Anh Phí Chín khẳng định: “Nếu chính quyền xã, huyện không có biện pháp giải quyết, chúng tôi đành phải gửi đơn lên Sở Văn hóa Thành phố, lên Thành hội Phật giáo Hà Nội”.
Công Tâm (Báo Đất Việt)
Chủ liên quan
Bình luậnViết cảm nhận